Mang thai ngoài tử cung phải làm sao? Giải đáp một số thắc mắc

Đóng góp bởi: Võ Như Quỳnh
Cập nhật 30/05
729 lượt xem

Thai ngoài tử cung phải làm sao để xử lý và có cách nào để phòng căn bệnh này không là thắc mắc của nhiều chị em. Sau đây, AVAKids sẽ cùng các bạn tìm hiểu một số phương pháp điều trị cũng như giải đáp thắc mắc xoay quanh thai ngoài tử cung phải làm sao nhé!

Mang thai ngoài tử cung phải làm sao để xử lý

Mang thai ngoài tử cung phải làm sao để xử lý?

1Mang thai ngoài tử cung phải làm sao?

Thai ngoài tử cung là hiện tượng bất thường, thai không thể phát triển bình thường, không thể đưa về lại tử cung, cũng không thể sinh ra. Xử lý thai ngoài tử cung phải làm sao cho ít ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của mẹ nhất. Các bác sĩ thường chọn loại bỏ thai càng sớm càng tốt.

Tùy thuộc vào kích thước thai, biểu hiện của mẹ bầu, tình hình hiện tại của thai đã vỡ hay chưa, bác sĩ sẽ có những cách xử lý thai ngoài tử cung cho phù hợp. Thông thường có hai cách điều trị đó là điều trị bằng thuốc và điều trị bằng các phẫu thuật.

Điều trị bằng thuốc

Một số chị em thắc mắc: Khi phát hiện sớm thai ngoài tử cung phải làm sao?

Theo bác sĩ Cao Thị Thúy Hà, khi kích thước thai còn bé (đường kính không quá 3cm) và chưa bị vỡ thì bác sĩ thường sẽ cho điều trị bằng thuốc methotrexate

Methotrexate là loại thuốc thường được sử dụng để ngăn chặn sự phát triển của các tế bào thai, giúp khối thai tự tiêu đi sau 4-6 tuần. Sau khi tiêm methotrexate, mẹ bầu cần được theo dõi và xét nghiệm HCG để xem điều trị có hiệu quả không.

Thuốc này không gây ảnh hưởng đến ống dẫn trứng tuy nhiên các mẹ sẽ khó thụ thai lại trong vài tháng tới.

Tiêm methotrexate có thể làm phụ nữ gặp một số tác dụng phụ của thuốc như buồn nôn, mệt mỏi, tiêu chảy, rụng tóc, loét miệng, chán nản…Một số trường hợp hiếm gặp bị suy tụy, suy thận, suy gan.

Sau quá trình điều trị, phụ nữ cần kiêng mang thai trong ít nhất 3 tháng hoặc theo sự tư vấn của bác sĩ điều trị.

Điều trị bằng các phẫu thuật

Tùy tình hình thực tế mà bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật nội soi hay phẫu thuật mở bụng.

Với phẫu thuật nội soi lại chia làm hai loại là phẫu thuật mở thông vòi trứng và phẫu thuật cắt bỏ vòi trứng. Với kỹ thuật mở thông vòi trứng thì thai ngoài tử cung sẽ bị loại bỏ, ống dẫn trứng được bảo toàn, còn cắt bỏ vòi trứng thì cả thai nhi và vòi trứng cùng bị loại bỏ.

Trong trường hợp mổ mở bụng, đó là khi thai lớn, bị vỡ, gây xuất huyết trong ổ bụng, ống dẫn trứng cũng đã bị hư hỏng không thể phục hồi nên thường sẽ loại bỏ cả thai và ống dẫn trứng.

Phụ nữ vẫn có thể mang thai khi một bên vòi trứng bị cắt bỏ. Trường hợp cắt cả hai bên thì thụ tinh ống nghiệm (IVF) sẽ giúp phụ nữ mang thai và sinh con.

Cách chăm sóc sau phẫu thuật

Nhiều chị em hay hỏi sau phẫu thuật thai ngoài tử cung phải làm sao để chăm sóc đúng cách?

Theo bác sĩ ThS.BS Cao Thị Thúy Hà, bệnh nhân hãy yên tâm là sẽ được hướng dẫn cách chăm sóc vết mổ sau phẫu thuật. Vết mổ cần được chăm sóc, vệ sinh sạch sẽ, khô ráo và kiểm tra hằng ngày để đảm bảo không bị nhiễm trùng.

Các bạn cần chú ý một số dấu hiệu cho thấy vết mổ bị nhiễm trùng:

  • Sưng đỏ
  • Chảy nhiều máu không ngừng
  • Có mùi hôi và chảy dịch
  • Cảm giác ấm nóng khi chạm vào

Bệnh nhân có thể bị chảy máu âm đạo nhẹ có kèm cục máu đông sau khi phẫu thuật, kéo dài đến 6 tuần. Vì vậy để đảm bảo vết mổ phục hồi tốt, bạn cần lưu ý một số điều sau:

  • Uống nhiều nước để không bị chứng táo bón;
  • Trong tuần đầu tiên sau phẫu thuật cần nghỉ ngơi hoàn toàn, sau đó nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt.
  • Không mang, bê, vác các vật nặng.
  • Kiêng quan hệ tình dục và không sử dụng tampon, cốc nguyệt san cho đến khi được sự cho phép của bác sĩ.
  • Không thụt rửa bên trong âm đạo;
  • Thông báo ngay cho bác sĩ nếu có cơn đau hoặc những dấu hiệu bất thường khác.
Không sử dụng tampon cho đến khi vết mổ lành hẳn

Không sử dụng tampon cho đến khi được sự cho phép của bác sĩ.

Sau khi mổ thai ngoài tử cung phải làm sao cho tinh thần thỏa mái, tránh lo lắng, stress không tốt cho sức khỏe và sự hồi phục của vết thương.

Có thể bạn quan tâm: Kích thước của cổ tử cung khi mang thai thay đổi như thế nào? Bí quyết giữ cho cổ tử cung của mẹ khoẻ mạnh. Tham khảo ngay nhé!

2Thai ngoài tử cung phải làm sao để phòng tránh?

Thai ngoài tử cung làm sao để phòng tránh là câu hỏi của nhiều phụ nữ. Việc thay đổi thói quen sinh hoạt, chăm sóc cơ thể lành mạnh hơn sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mang thai ngoài tử cung. Đồng thời các mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau:

  • Tuân thủ một vợ một chồng: Điều này giúp hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lây qua quan hệ tình dục, giảm nguy cơ viêm nhiễm và thai ngoài tử cung
  • Không hút thuốc lá và không đến nơi có khói thuốc để giảm thiểu tình trạng thai ngoài tử cung
  • Đi khám phụ khoa và tầm soát STDs định kỳ: Việc kiểm tra sẽ giúp phát hiện sớm và xử lý một số bệnh lý nhanh chóng không để lại biến chứng
  • Không dùng quá nhiều thuốc tránh thai khẩn cấp vì sẽ làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.
Có thể bạn quan tâm: Biến chứng thai sản là gì ? Dấu hiệu cho thấy mẹ bầu cần đi khám thai ngay lập tức !
Không lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp để tránh thai ngoài tử cung

Không lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp để tránh thai ngoài tử cung

3Một số câu hỏi liên quan đến thai ngoài tử cung

Sau đây ThS.BS Cao Thị Thúy Hà sẽ giải đáp một số câu hỏi xoay quanh nỗi lo thai ngoài tử cung phải làm sao của các chị em.

Thai ngoài tử cung có tự tiêu không?

Bình thường khi đã xác định thai ngoài tử cung, các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc hoặc phẫu thuật để loại bỏ đi. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp thai ngoài tử cung tự tiêu đi khi thai nhỏ dưới 3 cm, nồng độ hóc-môn thai kỳ thấp và không đủ tế bào để nuôi thai. 

Thai không đủ điều kiện để phát triển có thể tự tiêu nhưng các mẹ vẫn nên tái khám định kỳ và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đặc biệt khi có triệu chứng bất thường như chảy máu âm đạo, đau âm ỉ …thì phải đi khám ngay.

Thai ngoài tử cung thử que có lên 2 vạch không?

Một số mẹ bầu thắc mắc: thai ngoài tử cung thì có lên hai vạch không?

Que thử thai hoạt động dựa trên nguyên tắc đo nồng độ hóc-môn HCG có trong nước tiểu. Vì vậy dù túi thai ở vị trí nào thì trong nước tiểu cũng đã có hóc-môn HCG. Do đó thai ngoài tử cung thì que thử thai vẫn hiện lên hai vạch.

Tuy nhiên trong trường hợp mang thai ngoài tử cung, hóc-môn HCG có dấu hiệu giảm dần. Vì vậy khi thử, màu trên que thử thai sẽ mờ hơn bình thường. 

Việc làm cần thiết khi biết mình mang thai là mẹ đi siêu âm để biết chính xác vị trí thai nhi. 

Niêm mạc có dày lên khi mang thai ngoài tử cung không?

Niêm mạc tử cung là mô lót toàn bộ bên trong tử cung, lớp niêm mạc sẽ dày lên khi trứng được thụ tinh và sự thay đổi các nội tiết tố, để chuẩn bị cho quá trình làm tổ của phôi thai. Dù thai trong hay ngoài tử cung thì lớp niêm mạc vẫn dày lên.

Mấy tuần thì biết thai ngoài tử cung?

Từ tuần thứ 5 - 8 của thai kỳ là đã có thể biết được bạn có bị thai ngoài tử cung hay không. Cho nên nếu mẹ có những triệu chứng mang thai và que thử thai lên hai vạch thì hãy đi siêu âm để biết chính xác vị trí thai nhi, sớm phát hiện thai ngoài tử cung nếu có, để xử lý kịp thời.

Thai ngoài tử cung bao lâu thì vỡ?

Để biết chính xác thời gian thai ngoài tử cung vỡ thì rất khó vì còn tùy thuộc vào sự phát triển của thai, vị trí thai, sức khỏe và cơ địa của từng mẹ bầu.

Thai ngoài tử cung vỡ sẽ gây ra nhiều triệu chứng rất nguy hiểm như mẹ bầu bị mất máu, tổn thương các cơ quan sinh sản, ảnh hưởng đến khả năng mang thai trong tương lai, thậm chí đe dọa tính mạng mẹ bầu. 

Do đó, một khi được chẩn đoán mắc bệnh, mẹ bầu đừng mất thời gian hoang mang thai ngoài tử cung phải làm sao mà cần tuân theo hướng dẫn theo dõi và điều trị của bác sĩ để tránh gặp phải biến chứng nguy hiểm. 

Có thai ngoài tử cung thì bao giờ mang thai lại được?

Khoảng 3-4 tháng sau khi điều trị là mẹ có thể mang thai lại. Trường hợp mổ thì bệnh nhân có thể mang thai lại sau 6 tháng -1 năm kể từ ngày lành vết mổ.

Cơ địa mỗi người là khác nhau nên các mẹ cần lắng nghe cơ thể mình, chăm sóc và phục hồi sức khỏe cho tốt, chỉ mang thai khi cơ thể hoàn toàn hồi phục.

Các mẹ có thể hỏi ý kiến bác sĩ điều trị về thời gian có thể mang thai lại và tiến hành một số xét nghiệm cần thiết trước khi chuẩn bị mang thai lại. 

Xem thêm:

4Đôi lời từ AVAKids

Thai ngoài tử cung phải làm sao là lo lắng của nhiều phụ nữ. Hy vọng với những thông tin bổ ích trên đây đã giúp các mẹ có hình dung về mang thai ngoài tử cung phải làm sao để điều trị và phòng tránh. 

Các bài viết của AVAKids/ Vũ trụ bỉm sữa chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Quỳnh tổng hợp

Kiểm duyệt bởi Thùy Trang

Bài viết có hữu ích với bạn không?

Không

Cám ơn bạn đã phản hồi!

Xin lỗi bài viết chưa đáp ứng nhu cầu của bạn. Vấn đề bạn gặp phải là gì?

Bài tư vấn chưa đủ thông tin
Chưa lựa chọn được sản phẩm đúng nhu cầu
Bài tư vấn sai mục tiêu
Bài viết đã cũ, thiếu thông tin
Gửi