Các giai đoạn phát triển ngôn ngữ ở trẻ. Bố mẹ có thể hỗ trợ trẻ như thế nào?
Đóng góp bởi: Ngọc Nguyễn
Xét duyệt & biên tập: Nhóm nội dung AvaKids
Cập nhật 29/07
2121 lượt xem
Sự phát triển ngôn ngữ là một quá trình chuyển đổi quan trọng, góp phần vào sự phát triển toàn diện của trẻ. Tùy vào thể trạng mà mỗi trẻ sẽ có tốc độ tiếp nhận ngôn ngữ khác nhau.
Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ diễn ra theo nhiều giai đoạn khác nhau. Trong đó, khoảng thời gian 3 năm đầu đời là cột mốc quan trọng nhất.
Bài viết dưới đây của AVAKids sẽ giúp bạn hiểu thêm các thông tin về sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ và cách bố mẹ có thể làm để hỗ trợ quá trình này diễn ra thuận lợi và hiệu quả.
1Các giai đoạn phát triển ngôn ngữ ở trẻ
Giai đoạn 1 – 3 tuổi (Giai đoạn tiền ngôn ngữ)
Giai đoạn tiền ngôn ngữ bắt đầu khi trẻ được 12 tháng tuổi. Ở khoảng thời gian này, trẻ bắt đầu học cách giao tiếp với mọi người xung quanh, hiểu được mọi người đang nói gì với mình và biết thể hiện nhu cầu bằng cách chỉ tay vào các đối tượng cụ thể.
Giai đoạn tiền ngôn ngữ là giai đoạn quan trọng, tạo nền tảng cho sự phát triển ngôn ngữ sau này. Nguồn: Shutterstock
Giai đoạn 3 – 4 tuổi
Ở lứa tuổi này, trẻ có thể trò chuyện nhiều hơn nhờ sự gia tăng vốn từ vựng và khả năng hiểu rõ về các quy tắc ngữ pháp.
Một vài chỉ số về sự phát triển ngôn ngữ của trẻ ở giai đoạn này như:
Học nhanh từ mới
Sử dụng các câu từ 4 từ trở lên
Sử dụng đại từ một cách chính xác
Có thể thuật lại những câu chuyện dài với trình tự sự kiện chính xác
Có thể đặt các câu hỏi
Giai đoạn 5 – 8 tuổi
Trẻ từ 5 – 8 tuổi đã có thể sử dụng ngôn ngữ thành thạo hơn. Nguồn: ISSP
Trong giai đoạn này, trẻ có một số khả năng ngôn ngữ như:
Trẻ 5 tuổi: Trẻ có vốn từ vựng phong phú hơn, có thể nói những câu đúng ngữ pháp nhưng đôi khi còn mắc lỗi, có thể đưa ra ý kiến trong các cuộc thảo luận.
Trẻ 6 tuổi: Trẻ có thể hiểu được khoảng 13.000 từ. Một đứa trẻ 6 tuổi có khả năng sử dụng tất cả các đại từ một cách chính xác và hiểu các từ đối lập.
Trẻ 7 tuổi: Trẻ có thể hiểu 20.000 – 26.000 từ và có khả năng nhận ra lỗi trong lời nói của người khác.
Trẻ 8 tuổi: Trẻ ít khi mắc lỗi ngữ pháp. Chúng có thể đọc – hiểu các loại văn bản phù hợp với lứa tuổi và viết các đoạn văn đơn giản. Ngoài ra, trẻ 8 tuổi có thể trò chuyện nghiêm túc với người lớn và làm theo các hướng dẫn phức tạp mà không phải nhắc lại nhiều lần.
Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ là một trong những vấn đề cần được quan tâm. Nguồn: Freepik
Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ là gì?
Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ là tình trạng trẻ gặp khó khăn trong việc hiểu những gì người khác nói (ngôn ngữ tiếp thu) hoặc thể hiện nhu cầu bản thân (ngôn ngữ biểu cảm).
Sẽ có 1 trong số 20 trẻ em mắc các triệu chứng của rối loạn ngôn ngữ.
Một số biểu hiện cụ thể như:
Khó khăn trong việc tìm đúng từ để diễn đạt ý, thường hay “ừm”, “à”.
Chỉ sử dụng được các câu ngắn và đơn giản
Sử dụng lặp lại một số cụm từ nhất định
Không dùng đúng cấu trúc câu
Vốn từ vựng ít hơn nhiều so với những đứa trẻ cùng lứa tuổi
Nguyên nhân của rối loạn ngôn ngữ
Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn ngôn ngữ ở trẻ. Nguồn: Monkey
Trẻ có thể mắc các triệu chứng của rối loạn ngôn ngữ do một số nguyên nhân dưới đây:
Trẻ ít tiếp xúc với việc nghe 1 ngôn ngữ hàng ngày.
Trẻ chậm phát triển thể chất, rối loạn tự kỷ, mất thính giác, dẫn đến chậm phát triển ngôn ngữ (Một số trẻ chỉ gặp khó khăn trong quá trình phát triển ngôn ngữ, trong khi các quá trình phát triển khác vẫn diễn ra bình thường).
Nguyên nhân di truyền.
Do từng bị chấn thương sọ não hoặc tổn thương hệ thần kinh trung ương.
Chẩn đoán và điều trị rối loạn ngôn ngữ ở trẻ
Để xác định các triệu chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ, các bác sĩ hoặc chuyên gia sẽ thực hiện như sau:
Nghiên cứu bệnh sử của gia đình để biết liệu các thành viên trong gia đình của trẻ có bị rối loạn ngôn ngữ hay không.
Thực hiện các bài kiểm tra khả năng tiếp thu và diễn đạt ngôn ngữ.
Kiểm tra và đo thính lực cho trẻ.
Bố mẹ cần theo dõi quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ để kịp thời nhận biết các triệu chứng bất thường. Nguồn: Monkey
Trong trường hợp phát hiện trẻ bị rối loạn ngôn ngữ, “liệu pháp ngôn ngữ và lời nói” là cách tốt nhất có thể áp dụng để điều trị. “Liệu pháp trò chuyện” hoặc “tư vấn” cũng có thể được sử dụng, vì những rào cản trong giao tiếp của trẻ có thể liên quan đến những khó khăn về hành vi và cảm xúc.
3Bố mẹ có thể làm gì để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ
Dưới đây là một số cách bố mẹ có thể thực hiện để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ:
Nói chuyện với trẻ: Cố gắng trò chuyện với trẻ nhiều nhất có thể về những chủ đề xung quanh. Khuyến khích trẻ lắng nghe và phản hồi bằng cách đặt câu hỏi.
Đọc sách: Không bao giờ là quá sớm để cho trẻ tiếp xúc với sách. Bạn có thể cùng xem và đọc cho trẻ nghe bất cứ loại sách nào phù hợp với lứa tuổi như: sách bảng, truyện tranh, truyện ngắn.
Thường xuyên tiếp xúc với sách có thể giúp cải thiện khả năng ngôn ngữ của trẻ. Nguồn: Monkey
Hát cho trẻ nghe: Các bài hát và bài đồng dao có cả nhịp điệu và từ ngữ, giúp trẻ học từ mới và chọn từ nhanh hơn.
Đưa trẻ ra ngoài: Nên thường xuyên đưa trẻ đến những địa điểm thú vị để chúng khám phá thế giới xung quanh. Môi trường mới sẽ khiến trẻ hứng thú, nói chuyện và chia sẻ nhiều hơn.
NHỮNG LƯU Ý KHI GIAO TIẾP VỚI TRẺ:
Trong quá trình giao tiếp hàng ngày với trẻ, bố mẹ cũng cần lưu ý một số điều sau:
Luôn cố gắng giới thiệu từ mới cho trẻ để dạy chúng cách sử dụng đúng của từ.
Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với tivi, màn hình điện thoại và máy tính.
Hãy sử dụng từ ngữ phù hợp khi giao tiếp với trẻ. Khi sử dụng các từ hoặc câu mà trẻ có thể không hiểu, hãy giải thích ý nghĩa của chúng.
Nếu trẻ nói sai, bạn đừng khiển trách mà hãy lặp lại từ đó một cách chính xác để sửa cho chúng cách phát âm.
Bố mẹ cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và hoàn thiện khả năng ngôn ngữ của trẻ. Nguồn: Monkey
Nếu trẻ phát âm thành công một từ, hãy khen ngợi chúng và lặp lại từ đó một vài lần trong một câu để giúp trẻ ghi nhớ.
Nếu bạn sống ở một nơi sử dụng nhiều ngôn ngữ, bạn có thể cho trẻ thử học nhiều ngôn ngữ cùng một lúc.
Trước đây, mọi người luôn cho rằng việc học nói cùng lúc nhiều thứ tiếng có thể ảnh hưởng đến khả năng nắm bắt ngôn ngữ của trẻ. Tuy nhiên, không có cơ sở khoa học nào chứng minh giả định này. Nhiều trẻ nhỏ lớn lên vẫn có thể hiểu nhiều ngôn ngữ và sử dụng chúng một cách dễ dàng.
Sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ trải qua nhiều giai đoạn, trẻ cần nhiều thời gian và nỗ lực để có thể nắm bắt ngôn ngữ và sử dụng chúng một cách thành thạo.
Mặc dù sự phát triển ngôn ngữ được diễn ra tự nhiên và khác nhau ở mỗi đứa trẻ nhưng bố mẹ vẫn nên đồng hành và theo dõi trẻ trong suốt quá trình.
Trong trường hợp nhận thấy những triệu chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ, bố mẹ hãy nhờ đến sự hỗ trợ của các bác sĩ hoặc chuyên gia.
Ngọc Nguyễn tổng hợp từ Mom Junction.
1. Naama Friedmann and Dana Rusou; (2015); Critical period for first language: the crucial role of language input during the first year of life.
2. Speech & Language.
3. Late Blooming or Language Problem?
4. Wyatte C. Hall, et al.; (2017); Language Deprivation Syndrome: A Possible Neurodevelopmental Disorder with Sociocultural Origins.