Trẻ nhỏ thường tò mò, thích khám phá mọi thứ xung quanh, thường đưa mọi thứ nắm được cho vào miệng và có thể gây mắc nghẹn khi nuốt phải dị vật. Nghẹt thở ở trẻ là một trong những mối nguy lớn nhất nhưng lại thường không được chú ý nhiều. Ba mẹ hãy cùng AVAkids tìm hiểu những nguy cơ gây nghẹt thở và cách ngăn ngừa nghẹt thở ở trẻ.
Trẻ nhỏ thường cho mọi thứ vào miệng và có thể gây mắc nghẹn. Ảnh: freepik
1Những nguy cơ gây nghẹt thở
Theo Trung tâm Phòng chống Tai nạn Thương tích trẻ em, nghẹt thở là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi. Những thứ trẻ nhỏ thường mắc nghẹn (bao gồm thức ăn và các vật không phải thức ăn) như:
Những đồ vật nhỏ thường là nguy cơ gây nghẹt thở ở trẻ. Ảnh: freepik
- Nho nguyên trái
- Đậu phộng và các loại hạt
- Bắp rang bơ
- Kẹo cứng và kẹo cao su
- Thực phẩm cứng bao gồm cả các loại rau sống
- Thực phẩm mềm như khối phô mai lớn, caramel,…
- Thực phẩm dai như một muỗng bơ đậu phộng dày
- Xúc xích chưa cắt
- Đồng xu
- Viên bi và những quả bóng nhỏ
- Nam châm nhỏ
- Pin nhỏ
- Bóng bay, có thể gây nghẹt thở cho trẻ dưới tám tuổi. Trẻ nghẹt thở do đưa những mảnh bóng bay bị vỡ vào miệng hoặc do hít phải những quả bóng còn nguyên khi trẻ cố gắng thổi.
- Kim tây, nắp bút và đinh ghim
- Các bộ phận đồ chơi nhỏ như các khối lắp ráp trong đồ chơi lego nhỏ, xúc xắc, hạt cườm,…
- Thức ăn khô của vật nuôi
Ba mẹ thường cắt nhỏ xúc xích, tránh đậu phộng và cả nho, nhưng có thể quên rằng bỏng ngô, kẹo cao su và kẹo cứng cũng có nguy cơ gây nghẹt thở cho trẻ.
Bài viết liên quan: Những loại thực phẩm có thể không an toàn cho trẻ, bố mẹ nên tránh
2Ngăn ngừa nghẹt thở cho trẻ
Trẻ nhỏ cho hầu hết mọi thứ vào miệng, vì vậy mục tiêu chính của việc ngăn ngừa nghẹt thở là không để gần trẻ bất kỳ đồ vật nhỏ nào có thể nuốt. Ba mẹ thỉnh thoảng phải kiểm tra gầm bàn, bếp, phía dưới các đồ nội thất và ghế đi-văng nhằm loại bỏ những thứ có thể gây nghẹt cho trẻ.
Ba mẹ nên học các biện pháp sơ cứu, có thể sẽ có ích trong việc ngăn ngừa nghẹt thở ở trẻ. Ảnh: freepik
Ngoài việc thường xuyên kiểm tra sàn nhà, ô tô và các khu vực khác nơi trẻ bò, đi và ngồi chơi, ba mẹ cần chú ý những điều sau đây để ngăn ngừa nghẹt thở ở trẻ, bao gồm:
- Học hồi sinh tim phổi và lưu lại những số điện thoại khẩn cấp.
- Tìm hiểu về nghiệm pháp Heimlich (một phương pháp sơ cứu khi bị hóc dị vật).
- Đặt thuốc, vitamin trong hộp thuốc và xa tầm tay trẻ.
- Các vật dụng nhỏ nên được đặt trong tủ có khóa an toàn cho trẻ.
- Giám sát khi trẻ đang ăn.
- Cắt các loại thực phẩm như nho và xúc xích thành những miếng nhỏ khi cho trẻ ăn.
- Tránh các loại thức ăn không phù hợp với lứa tuổi của trẻ nhỏ như kẹo cao su, kẹo cứng, các loại hạt… cho đến khi trẻ được ít nhất bốn tuổi.
- Đừng để trẻ chơi những đồ chơi không phù hợp với lứa tuổi, những bộ phận nhỏ của đồ chơi sẽ là nguy cơ gây nghẹt thở cho trẻ.
- Để đồ chơi của trẻ lớn hơn xa tầm tay của các em nhỏ.
- Thường xuyên kiểm tra đồ chơi để đảm bảo rằng các bộ phận không bị vỡ và nên vứt bỏ bất kỳ đồ chơi nào bị hỏng.
- Giám sát trẻ dưới 8 tuổi nếu trẻ đang chơi với một quả bóng bay. Ba mẹ nên để những quả bóng bay ngoài tầm với của trẻ và vứt bỏ những quả bóng bay bị xì hơi hoặc vỡ.
![Ba mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu trẻ bị ho mãn tính sau khi nuốt phải dị vật. Ảnh: freepik Ba mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu trẻ bị ho mãn tính sau khi nuốt phải dị vật. Ảnh: freepik]()
Ba mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu trẻ bị ho mãn tính sau khi nuốt phải dị vật. Ảnh: freepik
- Nếu trẻ từng nghẹt thở do nuốt phải dị vật và đã bình phục khi được hút đồ vật ra khỏi người, nhưng sau đó trẻ bị ho mãn tính, ba mẹ hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ vì đó có thể là dấu hiệu vẫn còn đồ vật trong phổi của trẻ.
Trẻ nhỏ có nguy cơ nghẹt thở rất cao và thường gây nên hậu quả nghiêm trọng. Ba mẹ luôn muốn bảo vệ con mình khỏi những mối nguy hiểm, vì vậy ngoài việc giữ an toàn cho con khi ở nhà, ba mẹ cũng cần giám sát, tránh để trẻ nuốt những thứ nhặt được khi trẻ ở bên ngoài hoặc ở nhà người khác.
Ngọc Hà tổng hợp từ Verywell Family