Viêm tai giữa cấp? Triệu chứng và cách chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa cấp

Đóng góp bởi: Đào Thị Dạ Thắm
Cập nhật 04/01
853 lượt xem

Viêm tai giữa là một loại bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Có nhiều trẻ bị viêm tai giữa 2 đến 3 lần trong năm và điều này cũng được xem là khá bình thường. Thống kê cho thấy phần lớn trẻ em dưới 3 tuổi đều từng bị viêm tai giữa, và đến khoảng 90% trẻ em dưới 6 tuổi đã bị viêm tai giữa ít nhất 1 lần. Trẻ em dưới 18 tháng tuổi có tần suất bị viêm tai giữa cao nhất.

Viêm tai giữa là một bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Nguồn ảnh: Baby Gooroo

Viêm tai giữa là một bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Nguồn ảnh: Baby Gooroo

Vậy viêm tai giữa nên được hiểu như thế nào, các triệu chứng và chăm sóc trẻ ra sao? AVAKids đã tổng hợp các kiến thức về bệnh viêm tai giữa cấp trong bài viết của bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo. AVAKids tin rằng bài viết này sẽ giúp ba mẹ có những kiến thức cơ bản để tự tin cùng con chiến thắng bệnh viêm tai giữa cấp.

1Viêm tai giữa là gì?

Viêm tai giữa là sự tổn thương và viêm nhiễm xuất hiện trong tai giữa do các loại vi khuẩn, vi rút sinh sôi và phát triển trong tai hoặc bị tác động từ các yếu tố khác bên ngoài môi trường. Vậy tai giữa là nằm ở đâu trong tai?

Tai người được chia thành 3 phần chính:

  • Tai ngoài: Từ vành tai, ống tai vào đến màng nhĩ 
  • Tai giữa: Là ngăn nằm sau màng nhĩ, có các xương tai nhỏ nối từ màng nhĩ đến tai trong, có nhiệm vụ thu nhận âm thanh và khuếch đại sóng âm thanh (từ sự rung của màng nhĩ), và có vòi nhĩ nối khoang tai giữa với phần hầu họng, nhằm cân bằng áp lực giữa khoang tai giữa với bên ngoài.
  • Tai trong: Bao gồm các cấu trúc đặc biệt và thần kinh, làm nhiệm vụ cảm nhận âm thanh và giữ thăng bằng cho cơ thể
Cấu tạo của tai người. Nguồn ảnh: bvdakhoatinhthanhhoa.com

Cấu tạo của tai người. Nguồn ảnh: bvdakhoatinhthanhhoa.com

Khi trẻ bị viêm mũi họng, viêm hô hấp trên, các vi rút, vi khuẩn gây bệnh sẽ xâm nhập vào vào vòi nhĩ và vào khoang tai giữa gây nhiễm trùng.

Trẻ nhỏ dưới 18 tháng có vòi nhĩ nhỏ hơn người lớn, các vi khuẩn vi rút gây bệnh dễ dàng xâm nhập hơn nên tỉ lệ mắc viêm tai giữa cũng cao hơn.

Bài viết liên quan: Ba mẹ cần lưu ý gì khi chăm sóc trẻ sơ sinh?

2Dấu hiệu và triệu chứng

Viêm nhiễm khoang tai giữa gây ra tình trạng viêm đỏ, sưng, đau cho màng nhĩ và vòi nhĩ. Bé khi bị viêm tai giữa sẽ cảm thấy khó chịu: sốt, nôn trớ, bỏ ăn, đau tai, ù tai, đi ngoài lỏng thậm chí giảm thính lực tạm thời. Nhiều trẻ chưa biết nói thường sẽ tự kéo tai hoặc đưa ngón tay vào ống tai đang đau. Ba mẹ hãy lưu ý những biểu hiện của con mình nhé!

Trường hợp màng nhĩ bị căng phồng quá mức do viêm có thể bị vỡ, dẫn đến chảy dịch ra ngoài. Trường hợp này có thể trẻ sẽ bớt đau do đã cân bằng được áp lực trong khoang tai giữa và tai ngoài, nhưng chắc hẳn ba mẹ sẽ thấy cực kỳ lo lắng khi thấy có dịch mủ chảy ra ngoài vành tai.

Trẻ bị viêm tai giữa sẽ đau, sốt, nôn trớ và biếng ăn. Nguồn ảnh: Mommypotamus

Trẻ bị viêm tai giữa sẽ đau, sốt, nôn trớ và biếng ăn. Nguồn ảnh: Mommypotamus

Một số trường hợp viêm nặng có thể dẫn đến viêm cả vùng sau tai, viêm phổi, nhiễm trùng máu,... Nhưng ba mẹ cũng đừng quá lo lắng, tỉ lệ biến chứng này đã được chứng minh là rất thấp.

3Thăm khám và chăm sóc trẻ như thế nào?

Khi con có các biểu hiện mà bạn nghi ngờ trẻ đã mắc viêm tai giữa hãy cho trẻ đi gặp bác sĩ ngay. Khi đó, con sẽ được thăm khám, đánh giá tình trạng, mức độ viêm. Từ đó sẽ có phương pháp điều trị, lịch tái khám, theo dõi phù hợp.

Những trẻ có dịch chảy ra ngoài tai do vỡ màng nhĩ thì ba mẹ cũng đừng quá lo lắng nhé, màng nhĩ của con có thể lành lại và hồi phục khá nhanh. Khoảng 75% các trường hợp viêm tai giữa là do vi khuẩn, chỉ 25% còn lại là do vi rút gây nên. Tuy nhiên, nhiễm trùng viêm tai giữa đa số sẽ được khỏi rất nhanh, không như các bệnh nhiễm trùng khác. 

Các bé dưới 1 tuổi thường được khuyên dùng kháng sinh để điều trị bệnh viêm tai giữa.

Hãy cho con đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị đúng cách. Nguồn ảnh: Today’s Parent

Hãy cho con đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị đúng cách. Nguồn ảnh: Today’s Parent

Việc chăm sóc trẻ viêm tai giữa cũng giống như các bệnh viêm đường hô hấp trên khác. Hãy cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt trên 38,5 độ C, cho trẻ ăn uống từ từ để tránh bị nôn trớ gây mất nước. Tuy nhiên nên tránh cho trẻ bơi lội hoặc đi máy bay, vì lúc này có thể màng nhĩ đã bị vỡ, việc thay đổi áp suất đột ngột có thể gây hại cho trẻ.

Các bé bị viêm tai giữa cần được đi tái khám đúng hẹn để bác sĩ đánh giá. Một số trường hợp khi bé đã khỏi viêm tai giữa, nhưng dịch viêm vẫn còn ứ đọng trong tai, dịch này có thể tự rút, nhưng nếu dịch này cứ ở trong khoang tai giữa thì có thể cản trở thính lực của trẻ. Những trường hợp này cần sự can thiệp của bác sĩ để đảm bảo khả năng ngôn ngữ, sự phát triển của con không vì thế mà gián đoạn.

Bài viết liên quan: Trẻ bị sốt, cha mẹ nên làm gì?

4Những lưu ý khác

  • Việc trẻ nhỏ bị viêm tai giữa và tái phát khá phổ biến, một năm con có thể bị nhiều lần. Kháng sinh không phải là phương pháp điều trị duy nhất. Nếu con bạn đã trên 1 tuổi, hãy tư vấn với bác sĩ về việc có nên dùng kháng sinh hay không.
  • Dịch viêm có thể ở lại trong khoang tai, tuy nhiên nếu dịch ở lại quá lâu, ảnh hưởng đến thính lực của con sẽ cần có sự can thiệp từ bác sĩ.
  • Các trẻ đã bị viêm tai giữa, thủng màng nhĩ do viêm tai giữa đa số vẫn phát triển với thính lực bình thường.
Ba mẹ đừng quá lo lắng vì sau khi khỏi bệnh, con vẫn phát triển bình thường. Nguồn ảnh: Hero MEA

Ba mẹ đừng quá lo lắng vì sau khi khỏi bệnh, con vẫn phát triển bình thường. Nguồn ảnh: Hero MEA

Chăm sóc trẻ chưa bao giờ là điều dễ dàng, đặc biệt là khi trẻ bị ốm. Ba mẹ hãy luôn tích cực trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để hành trình nuôi dạy con không còn là một cuộc chiến.

Dạ Thắm tổng hợp từ bài viết của bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo: https://www.facebook.com/huyenthao.bacsi/posts/185777081809355

Bài viết có hữu ích với bạn không?

Không

Cám ơn bạn đã phản hồi!

Xin lỗi bài viết chưa đáp ứng nhu cầu của bạn. Vấn đề bạn gặp phải là gì?

Bài tư vấn chưa đủ thông tin
Chưa lựa chọn được sản phẩm đúng nhu cầu
Bài tư vấn sai mục tiêu
Bài viết đã cũ, thiếu thông tin
Gửi