Hướng dẫn ba mẹ cách chăm sóc và phòng ngừa viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh
Đóng góp bởi: Đặng Hiếu
Xét duyệt & biên tập: Nhóm nội dung AvaKids
Cập nhật 24/10
512 lượt xem
Viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh là bệnh thường gặp, không chữa được bằng thuốc kháng sinh mà cần chú trọng chế độ chăm sóc. Cùng chuyên mục Góc chuyên gia của AVAKids tìm hiểu về căn bệnh này qua chia sẻ của Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo, mẹ nhé!
Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo chuyên khoa nhi, có kinh nghiệm trong việc thăm khám, chẩn đoán, điều trị bệnh, tư vấn dinh dưỡng cho bé yêu, sáng lập phòng khám Happy Baby, từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại bệnh viện Nhi Đồng TP. Hồ Chí Minh, trưởng khoa Nhi phòng khám Quốc tế CarePlus, phòng khám Bản Việt.
Bác sĩ Huyên Thảo còn là tác giả bộ sách "Bác sĩ riêng cho bé yêu" được rất nhiều bố mẹ tìm đọc. Phòng khám của Bác sĩ Huyên Thảo luôn là địa chỉ khám nhi uy tín, được nhiều mẹ tin tưởng
1Viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh là gì?
Viêm tiểu phế quản hay còn gọi là viêm cuống phổi là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 1 tuổi và rất dễ lây lan trong vài ngày đầu mắc bệnh. Đây là bệnh do nhiễm virus đường hô hấp và gây ra viêm nhiễm, tắc nghẽn đường khí nhỏ dẫn vào phổi. Triệu chứng biểu hiện của bệnh chủ yếu ở hệ hô hấp và có thể ở toàn thân.
Bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh là gì?
2Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị viêm tiểu phế quản
Do virus hợp bào hô hấp
Virus hợp bào hô hấp là loại virus chính gây ra viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh. Nó có đặc điểm lây lan và tấn công mạnh mẽ dễ dàng chuyển thành dịch bệnh, cụ thể có tới 30 - 50% các trường hợp mắc bệnh là do loại virus này.
Trẻ em thường có nguy cơ tái nhiễm cao vì sức đề kháng kém hơn do chưa tạo đủ kháng thể từ lần nhiễm bệnh trước. Khi nhiễm bệnh trẻ ở trạng thái nặng trẻ thường có biểu hiện viêm, tích tụ chất nhầy và sưng đường thở.
Do Virus Adeno
Ngoài virus hợp bào hô hấp, Virus Adeno cũng là cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh mà bố mẹ cần hết sức lưu ý.
Loại virus này chủ yếu tấn công vào màng nhầy của mũi và họng của trẻ để gây bệnh. Theo thống kê thu được, tổng số ca mắc bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh do nguyên nhân này lên tới 10%.
Với trẻ sơ sinh cơ thể chưa hoàn thiện, hệ miễn dịch còn yếu khó có thể chống chọi lại các loại virus gây bệnh, một trong số đó là virus cúm. Loại virus này thường lây lan ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, tuy nhiên với trẻ em biến chứng diễn ra nặng hơn như viêm phổi, viêm mũi, viêm cổ họng, viêm tiểu phế quản,...
Bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
Một số nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân phổ biến có thể dẫn tới viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh có thể kể tới như:
Trẻ sinh non hoặc không được bú đầy đủ sữa mẹ dẫn tới sức đề kháng kém.
Trẻ bị bệnh tim bẩm sinh và thường xuyên ở trong môi trường hút thuốc lá thụ động, bụi bẩn hoặc hóa chất.
Trẻ có hệ thống miễn dịch yếu hoặc bị suy giảm.
Trẻ bị phổi bẩm sinh.
Trẻ bị lây virus từ những người xung quanh.
Có thể bạn quan tâm: Lợi ích tuyệt vời của việc nuôi con bằng sữa mẹ đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ
3Biểu hiện của bệnh viêm tiểu phế quản
Ban đầu, bệnh có thể bắt đầu như một đợt cảm cúm, sổ mũi, ho nhẹ, ngạt mũi trong 1 - 2 ngày. Bệnh diễn tiến với việc trẻ ho nhiều hơn, khó thở, thở khò khè, hậu quả là trẻ khó ăn uống hơn, co lõm ngực/bụng khi thở, nhịp thở nhanh, trẻ bị sốt.
Những biểu hiện này nặng nhất từ ngày thứ 2, thứ 3, sau đó giảm dần. Viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh có thể kéo dài từ 7 - 10 ngày. Tuy nhiên, trẻ có thể ho kéo dài từ 2 - 4 tuần mới dứt hẳn.
Khi thấy trẻ có những biểu hiện như ho nhiều, khó thở, bỏ ăn hoặc ăn uống kém hơn 50% so với bình thường, mệt mỏi, lừ đừ, buồn ngủ hơn mọi khi thì bố mẹ hãy cho trẻ đi khám để xác định xem liệu trẻ có bị mắc viêm tiểu phế quản không và nhận được sự chỉ dẫn cụ thể của bác sĩ.
Trẻ bị viêm tiểu phế quản thường có triệu chứng ho, khó thở
4Cách điều trị viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh
Cách điều trị tốt nhất chủ yếu vẫn là chăm sóc trẻ đúng cách khi mắc bệnh, vì thuốc kháng sinh không có tác dụng với virus gây bệnh.
Bố mẹ nên làm những điều sau đây khi chăm sóc trẻ sơ sinh mắc viêm tiểu phế quản:
Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều để không mất sức do vận động.
Cho ăn loãng, mềm, chậm rãi và chia nhỏ bữa ăn để tránh đuối sức hoặc ngạt thở khi ăn.
Bổ sung nước đầy đủ để tránh mất nước và giúp loãng đờm.
Không tự ý dùng thuốc kháng sinh và các loại thuốc khác khi không có chỉ dẫn của bác sĩ.
Giữ môi trường trong nhà thoáng, sạch, tuyệt đối tránh khói thuốc lá vì có thể làm trẻ bệnh nặng hơn.
Chú ý quan sát trẻ khi kho thở, ho và ăn uống. Nếu thấy trẻ thở rất nhanh hoặc thở không đều, thay đổi màu da mặt khi trẻ ho, mặt bị tím tái hoặc da nhợt nhạt, vã mồ hôi, không thể ăn uống bình thường do ho hoặc khò khè thì nên cho trẻ đến phòng cấp cứu của bệnh viện gần nhất để được hỗ trợ.
Có thể bạn quan tâm: Ba mẹ bỏ túi 15 cách giảm ho cho bé an toàn và hiệu quả
5Biện pháp phòng tránh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh
Viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh chủ yếu do các loại vi khuẩn, virus gây ra. Do vậy bố mẹ có thể áp dụng một số biện pháp phòng tránh viêm tiểu phế quản ở hiệu quả trẻ sơ sinh như sau:
Tránh cho trẻ sơ sinh tiếp xúc gần hay ở trong môi trường kín với người bị nhiễm trùng đường hô hấp, cảm lạnh.
Người lớn cầm xịt khử khuẩn và rửa tay bằng nước rửa tay thường xuyên khi tiếp xúc với trẻ.
Không cho trẻ mút tay hay ngậm đồ vật bất kỳ bởi vì đây chính là môi trường sống lý tưởng của nhiều loại virut.
Khử khuẩn vật dụng và không gian sống thường xuyên giúp hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh.
Giữ ấm cơ thể cho trẻ vào mùa đông, bởi các loại virus thường lây lan mạnh mẽ vào những ngày này.
Biến chứng nghiêm trong của viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh có thể dẫn tới ngưng thở hoặc khiến trẻ rơi vào tình trạng suy hô hấp nghiêm trọng, cần tới sự hỗ trợ của máy thở. Do vậy, bố mẹ cần theo dõi sát sao và đưa ngay đến bệnh viện nếu trẻ có một số biểu hiện sau:
Thở yếu, mệt mỏi, lờ đờ kèm theo tiếng khò khè ở cổ họng.
Cơ thể mất nước: miệng khô tróc, khóc không ra nước mắt hoặc đi tiểu ít hơn.
6Đôi lời từ AVAKids
Hy vọng những thông tin AVAKids cung cấp sẽ giúp bố mẹ hiểu hơn về cơ chế gây bệnh và cách ứng phó với viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh để có biện pháp chăm sóc và hỗ trợ đúng khi con mắc bệnh.
Đặng Hiếu tổng hợp từ Facebook bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo