Đau đầu sau sinh phải làm sao? 9 Cách khắc phục hiệu quả

Đóng góp bởi: Hồng Hạnh
Cập nhật 09/10
497 lượt xem

Có tới 40% phụ nữ mắc chứng đau đầu sau sinh. Trong bài viết sau đây, AVAKids sẽ cùng ba mẹ tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp khắc phục cho tình trạng kể trên. Đồng hành cùng AVAKids ba mẹ nhé!

1Tình trạng đau đầu sau sinh là gì? 

Đau đầu sau sinh là tình trạng phổ biến khiến các mẹ gặp các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, đau đầu bứt rứt 2 bên thái dương theo từng cơn, trầm cảm, khó thở,... Theo dân gian, phụ nữ sau sinh bị đau đầu còn được gọi là hậu sản thống phong hoặc đau đầu đông.

Đau đầu sau sinh được chia làm 2 nhóm với các biểu hiện khác nhau, cụ thể:

  • Đau đầu sau sinh nguyên phát: Đây thường được xem là triệu chứng, không phải bệnh lý. Tình trạng này khiến mẹ cảm thấy khó chịu và đau vùng sọ, thường xảy ra do căng thẳng hoặc đau nửa đầu.
  • Đau đầu sau sinh thứ phát: Là cơn đau xảy ra do chứng tiền sản giật sau sinh hoặc có thể do tụ máu phía dưới màng cứng.
Đau đầu sau sinh là gì

Đau đầu sau sinh khiến mẹ mệt mỏi, khó chịu, đầu đau như búa bổ

2Nguyên nhân đau đầu sau sinh

Bà đẻ bị đau đầu thường xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:

  • Do căng thẳng: Sau sinh, hormone trong cơ thể thay đổi nên lúc nào mẹ cũng cảm thấy lo lắng. Nhất là ở những mẹ lần đầu sinh con, thiếu kinh nghiệm hay bất đồng quan điểm chăm con với chồng, người thân hay do thiếu ngủ,...tỷ lệ đau đầu sau sinh sẽ càng cao.
  • Do thiếu máu: Thiếu máu sau sinh có thể khiến các mẹ bị tụt huyết áp, từ đó gây nên tình trạng chóng mặt và đau đầu. Trong và sau quá trình sinh em bé, mẹ đã mất đi một lượng máu khá lớn. Vậy nên để tái tạo lại máu cho cơ thể, mẹ nên ngủ đủ giấc và bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng một cách hợp lý.
  • Tác dụng phụ của các loại thuốc: Trong trường hợp sinh mổ, kỹ thuật gây tê bên ngoài màng cứng và tác dụng phụ của thuốc gây tê có thể khiến mẹ bị đau đầu sau sinh. Cơn đau đầu có thể ngắn hoặc dài tùy theo sự đáp ứng của thuốc cũng như khả năng chống lại tác dụng phụ của thuốc. Trên thực tế, cảm giác đau đầu sau sinh mổ sẽ biến mất sau khoảng từ 3-4 ngày hoặc sau vài tuần.
  • Huyết độc bị ứ đọng: Khi cơ thể không thể đào thải huyết độc, mẹ có thể bị đau đầu dữ dội tựa như cảm giác cắn buốt tận sâu trong óc. Nếu cơn đau có chiều hướng diễn biến nặng, mẹ sẽ có thể đột nhiên bị ngã quỵ kèm theo tình trạng chân tay co quắp.
  • Sự ảnh hưởng của các gốc tự do: Quá trình chuyển hóa của cơ thể khiến các gốc tự do sản sinh liên tục. Theo đó, chúng sẽ tấn công và làm tổn thương các lớp nội mạc mạch máu ở não và thúc đẩy sự hình thành các mảng xơ vữa, cản trở máu lưu thông lên não. Một khi máu không đủ nuôi não, não sẽ phản ứng lại bằng cách tại nên những cơn đau đầu.
Nguyên nhân đau đầu sau sinh

Stress là một trong những nguyên nhân chính khiến mẹ bị đau đầu sau sinh

3Đau đầu sau sinh kéo dài bao lâu?

Theo chia sẻ từ các chuyên gia, hiện tượng đau đầu sau sinh sẽ biến mất sau khoảng 6 tuần. Tuy nhiên, chứng đau đầu thứ phát có thể mất nhiều thời gian hơn để cải thiện bởi tình trạng này cần được điều trị một cách hợp lý.

Xem thêm: Loãng xương có thể là nguyên nhân gây ra đau lưng sau sinh cho mẹ bé

4Cách cải thiện tình trạng đau đầu sau sinh

Chườm lạnh

Nếu mắc chứng đau đầu sau sinh, mẹ có thể sử dụng một chai nước lạnh hoặc túi chườm lạnh để chườm lên trán trong 15 phút. Phương pháp này có thể giúp các mạch máu thu hẹp lại, đồng thời hạn chế áp lực lên các dây thần kinh nhạy cảm, từ đó giúp mẹ cải thiện tình trạng đau đầu.

Chườm ấm

Bên cạnh chườm lạnh, mẹ cũng có thể dùng túi chườm nóng để chườm trực tiếp lên vùng trán, thái dương, cổ hoặc gáy để làm giảm triệu chứng đau đầu. Hơi nóng từ túi chườm có tác dụng làm thư giãn các cơ bị căng, thắt chặt ở vùng đầu, từ đó làm giảm cảm giác đau. Đặc biệt, tắm nước ấm cũng là một phương pháp hỗ trợ giảm đau đầu sau sinh vô cùng hiệu quả. Tuy nhiên, mẹ cần chú ý không tắm quá lâu hoặc tắm nước quá nóng.

Nghỉ ngơi đầy đủ

Sau sinh, mẹ nên ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi ngày để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên dành nhiều thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi, massage vùng cổ và đầu để giúp máu lưu thông lên não tốt hơn.

Cải thiện đau đầu sau sinh

Nghỉ ngơi đầy đủ có thể giúp chứng đau đầu sau sinh của mẹ giảm đi đáng kể

Hạn chế ánh sáng, âm thanh

Âm thanh và ánh sáng từ các thiết bị điện tử cũng có thể khiến mẹ bị đau đầu sau sinh. Vậy nên, để hạn chế tình trạng này, mẹ nên tắt hết các thiết bị chiếu sáng cũng như kéo rèm cửa để không gian nghỉ ngơi được yên tĩnh nhất có thể.

Sử dụng thức uống chứa caffein

Caffeine nếu sử dụng đúng liều lượng sẽ giúp tình trạng sau sinh đau đầu giảm đi đáng kể. Do đó, mẹ có thể uống một ít cà phê, trà hoặc bất kỳ loại đồ uống nào có chứa caffeine để kích thích các mạch máu hoạt động tốt hơn.

Xoa bóp, bấm huyệt

Việc xoa bóp vùng thái dương và cổ trong vài phút có thể giúp giảm tình trạng đau đầu do căng thẳng. Ngoài ra, mẹ cũng có thể thử bấm huyệt bằng cách ấn vào điểm nằm giữa ngón cái và ngón trỏ của bàn tay. Vị trí này được liên kết với phần não, nơi gây bên hiện tượng đau đầu. Khi được tác động, cảm giác khó chịu, đau nhức sẽ giảm đi đáng kể.

Uống trà gừng

Trong gừng chứa rất nhiều chất oxy hóa cùng các thành phần có khả năng chống viêm, có thể giúp mẹ giảm đau đầu. Mẹ hãy lấy một tép gừng nhỏ, đập dập, ngâm trong nước nóng rồi nhấp nhám từng chút một để gừng phát huy tác dụng. Phương pháp này tuy đơn giản nhưng lại đặc biệt hiệu quả.

Uống nhiều nước

Chứng đau đầu sau sinh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu mẹ lười uống nước. Vậy nên, mẹ cần bổ sung đủ nước cho cơ thể thông qua việc uống nước, các loại nước ép cho bà bầu không đường, nước ép trái cây, trái cây tươi hoặc các loại rau củ nhiều nước.

Cải thiện chứng đau đầu sau sinh

Mẹ cần uống đủ nước mỗi ngày, tránh khiến tình trạng đau đầu trầm trọng hơn

Bài thuốc hỗ trợ trị đau đầu

Bài thuốc chữa đau đầu sau sinh do vị khí hư nhược

  • Đối tượng áp dụng: Phụ nữ sau sinh bị chóng mặt, đau đầu, ăn uống không tiêu, chân tay lạnh, người mệt mỏi, sôi bụng, mạch hư nhược.
  • Bài thuốc: 12g nhân sâm, 12g cam thảo, 12g bạch truật, 8g sài hồ, 8g trần bì, 8g hắc phụ tử, 10g thăng ma, 10g đương quy.
  • Hướng dẫn cách dùng: Sắc toàn bộ toa thuốc với 1,2l nước, lọc bỏ bã lấy 120ml sau đó chia đều 3 phần rồi uống trong ngày.

Bài thuốc chữa đau đầu sau sinh do can dương vượng

  • Đối tượng áp dụng: Phụ nữ sau sinh bị đau đầu, ngực sườn đầy tức, miệng đắng, ăn uống kém, rêu vàng lưỡi, cơ thể suy nhược.
  • Bài thuốc: 10 đương quy tẩm rượu, 10g hoàng thổ sao, 10g sài hồ, 10g bạch thược tẩm rượu, 10g phục linh, 5g cam thảo, 10g cúc hoa, 10g mạn kinh tử, 3 lát sinh khương, 10g hương phụ.
  • Hướng dẫn cách dùng: Xao giòn, tán nhuyễn thang thuốc (trừ sinh khương và bạc hà), sắc cùng 1l nước, lọc bỏ bã lấy 150ml, chia làm 3 phần.

Lưu ý: Với 2 bài thuốc trên, mẹ nên uống thuốc khi ấm và mỗi ngày nên sử dụng 1 thang để cho hiệu quả cao nhất.

5Khi nào cần đến gặp bác sĩ

Nếu tình trạng đau đầu sau sinh không có dấu hiệu thuyên giảm sau khi áp dụng các phương pháp phía trên hoặc cơn đau tái phát liên tục kèm theo các triệu chứng sau, mẹ nên đi khám ngay lập tức:

  • Đau đầu một cách dữ dội
  • Khó ngủ
  • Đau đầu sau khi vận động thể chất
  • Sốt, ói mửa, nhìn không rõ, đau cổ,...

Theo các chuyên gia, ngoài những biểu hiện trên, nếu sau sinh, mẹ bị đau đầu đồng thời xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm khác, cần liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và điều trị trong thời gian sớm nhất.

Lưu ý khi bị đau đầu sau sinh

Nếu mẹ đau đầu kèm theo sốt, nôn mửa,... cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức

6Biện pháp phòng ngừa đau đầu sau khi sinh

Để hạn chế cũng như ngăn ngừa chứng đau đầu sau sinh, mẹ cần chăm sóc bản thân đúng cách. Dưới đây là một số biện pháp mà mẹ có thể tham khảo:

  • Bổ sung nước cho cơ thể nhiều hơn
  • Mẹ sau sinh nên ăn các loại thực phẩm bổ dưỡng như rau, cá, sữa, trái cây tươi,... và có chế độ ăn uống lành mạnh hơn.
  • Giúp tâm trạng thoải mái bằng cách nghe nhạc, đi chơi, đọc sách, tâm sự với bạn bè, người thân,...

Xem thêm:

Đau đầu sau sinh là hiện tượng vô cùng phổ biến. Mặc dù các triệu chứng thường biến mất sau khoảng 6 tuần, tuy nhiên, mẹ tuyệt đối không nên chủ quan. Trong trường hợp bệnh kéo dài hoặc xuất hiện các dấu hiệu bất thường, mẹ nên đi khám ngay, tránh để biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Bài viết của AVAKids chỉ có tính chất tham khảo. Không có tác dụng thay thế cho việc chẩn đoán hay điều trị

Bài viết có hữu ích với bạn không?

Không

Cám ơn bạn đã phản hồi!

Xin lỗi bài viết chưa đáp ứng nhu cầu của bạn. Vấn đề bạn gặp phải là gì?

Bài tư vấn chưa đủ thông tin
Chưa lựa chọn được sản phẩm đúng nhu cầu
Bài tư vấn sai mục tiêu
Bài viết đã cũ, thiếu thông tin
Gửi