Rủi ro về dịch sốt xuất huyết: Ba mẹ nên lưu ý cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết

Đóng góp bởi: Hồng Hạnh
Cập nhật 11/02
461 lượt xem

Sốt xuất huyết là một trong những bệnh vô cùng nguy hiểm, có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là trẻ em. Vì vậy, việc nhận biết những rủi ro của dịch bệnh và cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết là cực kỳ quan trọng. 

Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, được hình thành từ vi rút Dengue. Vì thế, sốt xuất huyết còn được gọi là sốt Dengue. Bệnh lây lan từ người bệnh sang người khỏe mạnh do vết đốt của muỗi vằn. Bệnh xảy ra quanh năm, trong đó mùa mưa là thời điểm có tỷ lệ trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết cao nhất. Hãy cùng AVAKids tham khảo bài viết dưới đây để biết cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết đúng cách.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Ảnh: Freepik

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Ảnh: Freepik

1Trẻ bị sốt xuất huyết có nguy cơ gì?

Theo mức độ từ nhẹ đến nặng, sốt xuất huyết được chia thành 4 giai đoạn sau:

  • Trẻ bắt đầu có dấu hiệu sốt nhẹ nhưng chưa có triệu chứng xuất huyết. 
  • Sốt cao, kèm theo triệu chứng xuất huyết (chấm đỏ trên da). 
  • Dấu hiệu sốc nhẹ. 
  • Tình trạng sốc nặng. 

Khi bị bệnh sốt xuất huyết, trẻ thường sốt cao đột ngột liên tục từ 2 đến 7 ngày (khoảng 39-40 độ C). Trong một số trường hợp, trẻ có thể kèm theo tình trạng đau bụng, buồn nôn hay phình bụng. Tiếp theo sau đó, trẻ có biểu hiện xuất huyết như xuất hiện các nốt xuất huyết (chấm đỏ trên da), chảy máu cam, chảy máu chân răng đại tiện ra máu

Từ ngày 3 đến ngày thứ 7 của bệnh, trẻ có thể hạ sốt nhưng đây cũng là dấu hiệu cảnh báo của tình trạng sốc sốt xuất huyết. Các triệu chứng sốc như sau:

  • Trẻ lừ đừ, mệt mỏi.
  • Ói nhiều, đau bụng dữ dội.
  • Tay chân lạnh, da đổi màu, môi tái.
  • Trẻ tiểu rất ít.
  • Trẻ khát nước (Đây là hội chứng của xuất huyết nội tạng gây mất máu và tụt huyết áp).

Bệnh sốt xuất huyết cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ em. Trong trường hợp bé bị xuất huyết nhẹ, ba mẹ có thể chăm sóc và điều trị ngay tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu trẻ bị sốt xuất huyết nặng (có các biến chứng như sốc, suy hô hấp, tổn thương gan) thì phải đưa bé nhập viện ngay, vì nó rất nguy hiểm đến tính mạng của bé. 

Bài viết liên quan: Trẻ bị sốt, ba mẹ nên làm gì?

2Cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà

Cần đo nhiệt độ thường xuyên cho trẻ bị sốt xuất huyết. Ảnh: Freepik

Cần đo nhiệt độ thường xuyên cho trẻ bị sốt xuất huyết. Ảnh: Freepik

Để chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà, các bậc phụ huynh cần lưu ý một số điều sau:

Đo nhiệt độ thường xuyên cho trẻ

  • Dùng nhiệt kế cặp ở nách, hậu môn hoặc khóe miệng của bé vài giờ một lần.
  • Sau khi trẻ hết sốt (ngày 3 đến hết ngày 7), ba mẹ phải theo dõi bé 24/24. Vì đây là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết. Giai đoạn này, trẻ có thể trở nặng và sốc, rất nguy hiểm đến tính mạng nếu không phát hiện kịp thời.

Sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều lượng

Khi trẻ sốt cao hơn 38,5 độ C, ba mẹ cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol đơn chất với liều lượng từ 10-15mg/kg cân nặng và uống lặp lại 6 giờ/lần nếu trẻ vẫn còn sốt. Sau khi uống thuốc hạ sốt, hãy đo lại nhiệt độ cho bé để biết tình trạng bệnh như thế nào. 

Ba mẹ cần nhớ rằng, tuyệt đối không cho bé uống thuốc hạ sốt Aspirin. Vì loại thuốc này sẽ làm rối loạn đông máu, gây chảy máu kéo dài nên rất nguy hiểm đối với người bị sốt xuất huyết.

Trường hợp thân nhiệt của trẻ từ 37 độ đến dưới 38,5 độ thì không cần cho uống thuốc hạ nhiệt. Lúc này, bạn cần dùng khăn ấm lau khắp người trẻ để làm thoát nhiệt dễ dàng.

Chú ý đến chế độ dinh dưỡng

Khi trẻ sốt sẽ biếng ăn, vì vậy bạn nên cho trẻ ăn những thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng như cháo dinh dưỡng, súp, sữa tươi. Đặc biệt, bạn nên chia nhỏ thức ăn thành nhiều bữa để cho bé ăn nhiều lần trong ngày, sẽ giúp trẻ dễ tiêu hơn.

Trẻ bị sốt cao trong thời gian dài dễ dẫn đến tình trạng mất nước. Vì vậy, ba mẹ cần bổ sung nước thường xuyên cho trẻ. Bạn có thể cho trẻ uống nước được pha từ thuốc Oresol, hoặc các loại nước trái cây (nước cam, nước chanh,...) đều rất tốt cho sức khỏe.

Bạn nên tránh cho trẻ ăn các loại thức ăn chứa nhiều dầu mỡ. Nếu trẻ còn đang bú mẹ thì cần cho bú nhiều hơn, vì sữa mẹ là nguồn dưỡng chất tuyệt vời nhất. 

Ngoài ra, trong thời gian bị sốt xuất huyết, ba mẹ không nên cho trẻ chơi đùa nhiều, mà cần để trẻ nghỉ ngơi tuyệt đối; tránh ủ ấm hay mặc nhiều quần áo cho trẻ. 

Bài viết liên quan: Cách dùng nhiệt kế đo nhiệt độ cho trẻ chính xác 100%

3Những điều tối kỵ khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết

Không được tự ý cho trẻ bị sốt xuất huyết uống thuốc kháng sinh. Ảnh: Pexels

Không được tự ý cho trẻ bị sốt xuất huyết uống thuốc kháng sinh. Ảnh: Pexels

Khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết, ba mẹ cần nắm rõ những kiêng kỵ dưới đây để bảo vệ sức khỏe và giúp bé mau hết bệnh:

  • Không áp dụng cách chữa bệnh dân gian như cạo gió, cắt lể. Vì điều này sẽ làm trẻ đau hoặc có thể gây chảy máu và nhiễm trùng. 
  • Những loại nước có màu đen hoặc đỏ, nước ngọt có ga (coca, pepsi,...) thì không nên cho trẻ uống. Bởi vì khi dùng các loại nước này có thể gây ra sự nhầm lẫn giữa sốt xuất huyết với tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ.
  • Không được tự ý cho trẻ uống thuốc, đặc biệt là các loại thuốc kháng sinh. Vì sốt xuất huyết là do vi rút gây ra nên kháng sinh không có tác dụng. Do đó, bạn chỉ được sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Không đến các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện để truyền dịch cho bé. Vì một số trường hợp đã bị sốc dịch truyền và có triệu chứng bệnh nặng hơn.

4Biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết

Phun thuốc diệt muỗi để phòng bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Freepik

Phun thuốc diệt muỗi để phòng bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Freepik

Để phòng ngừa sốt xuất huyết hiệu quả, cách tốt nhất mà bạn cần làm là diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng chống muỗi đốt. Cụ thể như sau:

  • Phòng chống muỗi đốt: Dùng bình xịt diệt muỗi, mặc quần áo dài tay, ngủ mùng cả ngày lẫn đêm.
  • Diệt muỗi, diệt lăng quăng: Phát quang cây cối, dọn vệ sinh môi trường, đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước, thả cá để diệt lăng quăng.
  • Giữ cho nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát: Nơi có độ ẩm thấp là môi trường thuận lợi để muỗi sinh sống và phát triển.
  • Không cho trẻ vui chơi ở những nơi tối, ẩm thấp, cây cối rậm rạp và có nhiều muỗi.

Ba mẹ không được chủ quan khi trẻ nhỏ bị sốt xuất huyết, mà phải đưa bé đến bác sĩ để thăm khám và điều trị kịp thời. Cách tốt nhất là hãy dập tắt nguồn lây bệnh sốt xuất huyết và có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả để bảo vệ sức khỏe con yêu.

Ngọc Thanh tổng hợp

1. https://www.nhathuocankhang.com/ban-tin-suc-khoe/trieu-chung-tre-bi-sot-xuat-huyet-va-cach-cham-soc-tre-tai-nha-1273364

Bài viết có hữu ích với bạn không?

Không

Cám ơn bạn đã phản hồi!

Xin lỗi bài viết chưa đáp ứng nhu cầu của bạn. Vấn đề bạn gặp phải là gì?

Bài tư vấn chưa đủ thông tin
Chưa lựa chọn được sản phẩm đúng nhu cầu
Bài tư vấn sai mục tiêu
Bài viết đã cũ, thiếu thông tin
Gửi