Tiểu đường thai kỳ là gì ? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách phòng ngừa

Đóng góp bởi: Nguyệt Minh
Cập nhật 04/04
4204 lượt xem

Tiểu đường thai kỳ là một trong những căn bệnh nguy hiểm mà mẹ bầu có thể gặp phải trong thai kỳ. Vậy tại sao mẹ bầu lại bị tiểu đường thai kỳ, có cách nào để phòng ngừa không? Hãy cùng chuyên mục Thai kỳ của AVAKids tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1Tiểu đường thai kỳ là gì?

Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý thường gặp ở mẹ bầu, nguyên nhân là do sự rối loạn lượng đường trong máu trong giai đoạn mang thai. Bệnh chỉ diễn tiến mạnh mẽ trong thai kỳ, sau khi sinh em bé, bệnh sẽ biến mất.

Các kết quả khảo sát cho thấy, tỉ lệ mẹ bầu bị Tiểu đường thai kỳ là từ 2% - 10%.

2Nguyên nhân dẫn đến tiểu đường thai kỳ

Nguyên nhân tiểu đường thai kỳ

Nguyên nhân dẫn đến tiểu đường thai kỳ (Ảnh: Canva)

Theo CDC Hoa Kỳ (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ), trong cơ thể người bình thường, tụy tạng nhận nhiệm vụ sản xuất insulin - một chất có vai trò điều hòa lượng đường trong máu.

Tuy nhiên, khi mang thai, nhau thai sản sinh nội tiết tố giúp thai nhi phát triển, điều này gây ra sự rối loạn trong việc sản xuất insulin. Lúc này, tụy tạng phải sản xuất nhiều insulin hơn, do đó hiện tượng “kháng insulin” xuất hiện.

Khi cơ thể không đáp ứng được lượng insulin cần thiết trong quá trình mang thai thì sẽ dẫn đến bệnh Tiểu đường thai kỳ.

3Dấu hiệu tiểu đường thai kỳ theo từng giai đoạn

Dấu hiệu tiểu đường thai kỳ

Dấu hiệu tiểu đường thai kỳ

Dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng đầu 

Các dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng đầu thai kỳ thường khó nhận biết. Cách tốt nhất để nhận biết dấu hiệu Tiểu đường thai kỳ 3 tháng đầu thai kỳ là nên thường xuyên kiểm tra đường huyết trong quá trình mang thai để có biện pháp kiểm soát cũng như điều trị kịp thời.

Đa số mẹ bầu phát hiện ra Tiểu đường thai kỳ trong những lần kiểm tra định kỳ. Nếu mẹ bầu đã từng mắc Tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước hoặc mẹ bầu bị tăng huyết áp, nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc có tiền sử tăng cân bất thường khi mang thai, thì có thể nhận biết được các dấu hiệu trong tam cá nguyệt đầu tiên.

Các hiện tượng như đi tiểu nhiều, thường xuyên khát nước trong giai đoạn đầu của thai kỳ không phải là dấu hiệu đặc trưng của bệnh Tiểu đường thai kỳ.

Dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng giữa

Dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng giữa có thể kể đến như sau:

  • Luôn cảm thấy khát nước: Tiểu đường thai kỳ làm lượng đường trong máu tăng cao. Lúc này, bà bầu uống nước nhiều hơn so với bình thường để trung hoà. Tuy nhiên, dấu hiệu này cũng dễ nhầm lẫn trong trường hợp bà bầu ăn mặn nên cảm thấy khát nước.
  • Tần suất đi tiểu tăng cao: Như đã nói ở trên, bà bầu bị tiểu đường thai kỳ dẫn đến tăng lượng đường trong máu. Cơ thể bà bầu sẽ tự hạ đường huyết bằng cách đào thải Glucose qua đường nước tiểu. Điều này dẫn đến gia tăng tần suất đi tiểu của bà bầu. Tuy nhiên, đi tiểu nhiều cũng là biểu hiện thường thấy ở các bà bầu.

Dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối thai kỳ

Các dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối thai kỳ bao gồm:

  • Liên tục cảm thấy khát nước: Đây là một dấu hiện rất đặc trưng của Tiểu đường thai kỳ trong 3 tháng cuối.
  • Mệt mỏi bất thường: Bà bầu bị Tiểu đường thai kỳ thường cảm thấy mệt mỏi hơn nhiều so với các bà bầu khác. Tuy nhiên đây cũng dấu hiệu mang thai phổ biến.
  • Cảm thấy thường xuyên khô miệng: Dù đã uống rất nhiều nước, miệng của mẹ bầu vẫn bị khô và nứt nẻ.

Ngoài ra, các mẹ cũng cần lưu ý một số dấu hiệu của Tiểu đường thai kỳ trong 3 tháng cuối:

  • Mẹ bầu thấy mắt bị mờ, nhưng tình trạng này không kéo dài
  • Có kiến bu vào nước tiểu
  • Không kiểm soát được việc ăn uống

Tuy nhiên, những dấu hiệu kể trên đây đều khó nhận biết. Vì vậy, các mẹ nên làm xét nghiệm kiểm tra đường huyết cũng như gặp bác sĩ để nhận được tư vấn là cách nhận biết dấu hiệu tiểu đường thai kỳ chính xác nhất.

4Nguy cơ khi bà bầu bị tiểu đường thai kỳ

Với thai nhi

Một số nguy cơ có thể xảy ra đối với thai nhi nếu bà bầu bị Tiểu đường thai kỳ:

  • Em bé được sinh ra với cân nặng quá mức: Khi mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ, lượng đường trong máu sẽ cao hơn bình thường khiến thai nhi phát triển lớn quá mức, làm tăng nguy cơ tầng sinh môn khi sinh.
  • Sinh non: Đường huyết cao làm tăng nguy cơ sinh non, ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé khi bị sinh thiếu tháng.
  • Suy hô hấp: Chính việc sinh non do mẹ mắc tiểu đường thai kỳ khiến em bé bị mắc chứng suy hô hấp gây ra tình trạng khó thở.
  • Hạ đường huyết: Trẻ được sinh ra bởi các bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ thường có lượng đường trong máu thấp ngay khi vừa lọt lòng. Hiện tượng hạ đường huyết nghiêm trọng có thể khiến trẻ bị co giật.
  • Nguy cơ mắc bệnh béo phì và tiểu đường loại 2 cao hơn so với các em bé được sinh ra bởi những bà mẹ không bị tiểu đường thai kỳ.
  • Thai nhi bị chết lưu: Nếu mẹ bầu không được điều trị tiểu đường thai kỳ kịp thời, thai nhi có thể bị chết lưu từ trong bụng mẹ hoặc ngay khi vừa được sinh ra.

Với sản phụ

Sản phụ có thể đối mặt với một số nguy cơ sau nếu mắc phải Tiểu đường thai kỳ khi mang thai:

  • Cao huyết áp và tiền sản giật: Tiểu đường thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp và tiền sản giật ở mẹ bầu, đe dọa đến sức khỏe của cả sản phụ và thai nhi.
  • Can thiệp bằng sinh mổ: Các bà bầu bị tiểu đường thai kỳ thường sẽ phải sinh mổ vì thai nhi quá to.

5Đối tượng dễ mắc tiểu đường thai kỳ

Bà bầu có một trong những yếu tố sau đây thường có khả năng mắc Tiểu đường thai kỳ cao hơn:

  • Trên 30 tuổi mới mang thai.
  • Trong gia đình có người bị bệnh đái tháo đường loại 2.
  • Bản thân mẹ bầu đã từng bị tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước.
  • Bị thừa cân, béo phì trước và trong thai kỳ
  • Đã từng sinh em bé nặng hơn 4,1kg
  • Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số insulin và chỉ số tiểu đường thai kỳ đều nằm trong giới hạn an toàn thì mẹ bầu có thể yên tâm là mình không nằm trong nhóm dễ mắc Tiểu đường thai kỳ.
Có thể bạn quan tâm: Mang thai tuổi 35 và những điều cần lưu ý

6Thử tiểu đường thai kỳ như thế nào?

Thử đường huyết là cách phát hiện tiểu đường thai kỳ

Thử đường huyết là cách phát hiện tiểu đường thai kỳ

Những mẹ bầu nằm trong nhóm có nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ cần thường xuyên làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ (nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống). Một số thông tin liên quan đến thử tiểu đường thai kỳ bằng đường huyết như sau:

  • Phương pháp này được sử dụng để chẩn đoán tiền đái tháo đường và bệnh đái tháo đường, đặc biệt là để phát hiện đái tháo đường thai kỳ.
  • Thông thường, xét nghiệm sẽ được thực hiện trong tuần thai thứ 24 đến 28.
  • Hiệp hội quốc tế của các nhóm nghiên cứu đái tháo đường và thai kỳ (IADPSG) và WHO khuyến cáo sử dụng: Nghiệm pháp dung nạp glucose 75 gam - 2 giờ.

Các bước thực hiện xét nghiệm Tiểu đường thai kỳ như sau:

  • Lần khám 1: Trong lần khám đầu tiên, trong tam cá nguyệt thứ 1, mẹ bầu sẽ tiến hành xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói hoặc glucose huyết tương bất kỳ. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy glucose huyết tương lúc đói ≥ 126 mg% hoặc glucose huyết tương bất kỳ là ≥ 200mg% thì được chẩn đoán tiểu đường thai kỳ.
  • Lần khám tiếp theo: Trong tuần thứ 24 – 28 của thai kỳ, mẹ bầu sẽ được tư vấn tầm soát Tiểu đường thai kỳ, hướng dẫn ăn uống hợp lý để thực hiện xét nghiệm trong lần khám thai định kỳ tiếp theo.

Một số lưu ý mà bà bầu cần nhớ khi làm xét nghiệm Tiểu đường thai kỳ:

  • Trước khi làm xét nghiệm 3 ngày, mẹ bầu không ăn quá nhiều glucid, không quá kiêng khem để tránh ảnh hưởng đến kết quả.
  • Nhịn đói 8 - 12 giờ trước khi làm xét nghiệm.
  • Mẹ bầu sẽ được lấy 2ml máu tĩnh mạch, định lượng glucose trong huyết tương lúc đói trước khi làm xét nghiệm.
  • Uống nước đường do cơ sở y tế cung cấp
  • Mẹ bầu sẽ được lấy 2ml máu tĩnh mạch, định lượng glucose trong huyết tương ở 2 thời điểm 1 giờ và 2 giờ sau khi uống nước đường
  • Trong thời gian làm xét nghiệm, mẹ bầu ngồi nghỉ ngơi, không ăn uống thêm bất cứ thứ gì

7Phòng ngừa tiểu đường thai kỳ

Để phòng ngừa tiểu đường thai kỳ, các mẹ nên thực hiện các biện pháp sau đây:

Duy trì cân nặng từ trước khi mang thai

Khi có kế hoạch mang thai, các mẹ cần chú ý tới chế độ ăn uống để có thể duy trì cân nặng ở mức hợp lý. Mặc dù thừa cân không phải là nguyên nhân gây ra tiểu đường thai kỳ, nhưng là nguy cơ hàng đầu.

Theo các nghiên cứu cho thấy, người có chỉ số khối cơ thể BMI lớn hơn 30 thì nguy cơ tiểu đường thai kỳ cao gấp 3 lần so với người có BMI nhỏ hơn 25.

Ngoài ra, thừa cân hoặc béo phì trong quá trình mang thai cũng gây ra nhiều nguy cơ khác cho sức khỏe của cả mẹ bầu và thai nhi.

Dinh dưỡng lành mạnh

Chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp mẹ bầu giảm nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ, đồng thời cũng sẽ ít mệt mỏi hơn. Chế độ ăn uống cần đầy đủ các chất dinh dưỡng, cân bằng lượng tinh bột để chỉ số đường huyết không tăng cao sau bữa ăn.

Cơ địa của mỗi mẹ bầu là khác nhau nên thực đơn ăn uống cũng sẽ khác nhau. Dẫu vậy, vẫn có những nguyên tắc chung mà các mẹ có thể thực hiện, như: chia nhỏ bữa ăn, bổ sung thực phẩm giàu chất xơ, sử dụng chất béo tốt cho sức khỏe, cân bằng hàm lượng các nhóm chất dinh dưỡng trong chế độ ăn hàng ngày.

Tìm đến các chuyên gia dinh dưỡng để nhận được lời khuyên chính xác nhất, từ đó, mẹ bầu biết cách cân bằng chế độ ăn uống của mình.

Tăng cường vận động hợp lí

Vận động hàng ngày giúp mẹ bầu giảm nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ. Hãy dành khoảng 30 phút mỗi ngày để đi bộ nhẹ nhàng hoặc tập các bài tập phù hợp theo lời khuyên của bác sĩ sản khoa. Thời gian tập có thể chia nhỏ ra mỗi lần 10 phút và tập đều đặn hàng ngày.

Sau bữa ăn, mẹ bầu nên vận động nhẹ nhàng để chỉ số tiểu đường thai kỳ không tăng quá cao, tăng cường sự dẻo dai, sức chịu đựng của cơ thể và hoạt động của hệ tim mạch. Không những thế, khi vận động, cơ thể sẽ tiết ra nội tiết tố làm mẹ bầu cảm thấy thoải mái và giảm stress.

Có thể bạn quan tâm: 15 tư thế yoga cho bà bầu an toàn mà mẹ nên thử trong thai kỳ

8Lưu ý về chế độ dinh dưỡng cho bà bầu tiểu đường

Mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ cần chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày, cần đảm bảo đầy đủ các nhóm dinh dưỡng thiết yếu gồm: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất

Tinh bột

  • Tinh bột đóng vai trò là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể. Đa số tinh bột đều phân hủy thành đường (glucose), do đó nếu ăn quá nhiều tinh bột sẽ làm tăng đường huyết.
  • Các loại thực phẩm cung cấp tinh bột nhưng ít làm tăng đường huyết có thể kể đến: Gạo lứt, bún tươi, gạo tấm, các loại đậu nguyên hạt, ngũ cốc yến mạch,…
  • Hạn chế các loại thực phẩm giàu tinh bột nhưng làm tăng đường huyết như: gạo trắng, bánh mì trắng, khoai tây, v.v.
  • Bà bầu không nên ăn các loại thực phẩm nhiều đường như nước ngọt, nước có đường, bánh ngọt, bánh kem, kẹo, kem,…
  • Các mẹ hãy đọc kỹ nhãn sản phẩm để kiểm tra hàm lượng tinh bột trong mỗi khẩu phần ăn,

Chất đạm

Các loại thực phẩm giàu đạm gồm: cá, thịt nạc, các loại đậu, trứng, sữa hạt, sữa tươi

Chất béo

  • Hạn chế các loại thực phẩm cung cấp chất béo không tốt như thịt hộp, thịt xông khói, xúc xích, mỡ động vật, da, nội tạng, bơ, margarine, sốt mayonnaise, kem que vị phô mai, v.v.
  • Các mẹ nên thay thế bằng các loại hạt có dầu, dùng dầu thực vật để nấu ăn,

Rau củ

Rau củ là nguồn cung cấp chất xơ, hỗ trợ quá trình tiêu hóa và táo bón khi mang thai. Các mẹ bầu nên ăn ít nhất 500 – 600g rau xanh mỗi ngày.

Trái cây

  • Mẹ bầu nên ăn các loại trái cây ít ngọt như dưa gang, bơ, dâu, thanh long, bưởi, cam ta, quýt ta, lê, táo, sơ ri, kiwi xanh, nho ta, v.v
  • Tránh ăn trái cây vào buổi sáng vì đây là thời điểm đường huyết của mẹ bầu tăng cao.

Sữa và các sản phẩm từ sữa

  • Nhóm thực phẩm này cung cấp năng lượng, chất đạm, canxi và các khoáng chất cần thiết.
  • Mẹ bầu nên dùng sữa tách béo/ít béo, không đường và giàu canxi, sữa đậu nành không đường, sữa chua loại không đường, phô mai, v.v.
  • Nếu mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ, cần sử dụng sữa cho người tiểu đường. Không uống sữa bầu có thể làm tăng đường huyết.

Một số lưu ý khác về chế độ dinh dưỡng:

  • Chia nhỏ các bữa ăn, mỗi bữa cách nhau từ 2 - 3 tiếng. Hàm lượng tinh bột cần được phân bổ đều giữa các bữa
  • Trong mỗi bữa ăn cần có chất đạm
  • Sử dụng các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như sữa tiệt trùng không đường, sữa chua không đường, sữa đậu nành không đường, trứng, phô mai, cuốn rau với tôm, thịt, v.v.
  • Khi mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ, đường huyết thừng tăng vào buổi sáng, do đó cần hạn chế ăn thực phẩm nhiều tinh bột và nhiều đường trong bữa sáng
  • Tránh xa các thực phẩm nhiều muối như mì gói, súp, khoai tây chiên, thức ăn đông lạnh và thực phẩm đóng gói…
  • Không xay hoặc hầm quá nhừ các loại thực phẩm chứa tinh bột vì dễ làm tăng đường huyết.
  • Đảm bảo uống 2 - 2.5 lít nước mỗi ngày
  • Ăn uống đúng giờ
Có thể bạn quan tâm: Gợi ý thực đơn cho bà bầu bị tiểu đường thai kỳ đầy đủ dinh dưỡng cho cả tuần

9Tổng hợp những câu hỏi thường gặp về tiểu đường thai kỳ

Bị tiểu đường thai kỳ có thể sinh thường không

Nếu em bé dưới 4kg thì mẹ có thể sinh thường. Nếu trên 4kg thì phải mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

Tiểu đường thai kỳ có tự hết sau khi sinh con không

Có. Nhưng nếu mẹ bầu không có biện pháp kiểm soát đường huyết thì nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ sẽ lặp lại trong lần mang thai tiếp theo

Trong một số trường hợp, mẹ bầu bị tiểu đường mức nhẹ trước khi mang thai, nhưng không được phát hiện sớm khiến cho bệnh trở nặng khi sinh con. Hậu quả có thể khiến người mẹ bị tiểu đường cả đời.

Chọn đồ ăn vặt cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ như thế nào

Khi chọn đồ ăn vặt cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ, cần lựa chọn những loại thực phẩm giàu chất xơ, protein và chất béo hoặc thức ăn chế biến sẵn cho người bị tiểu đường.

Tiểu đường thai kỳ có được uống sữa bầu không

Có. Nhưng nên lựa chọn các loại sữa không đường hoặc các loại sữa chuyên biệt cho người bị tiểu đường.

Tiểu đường thai kỳ uống nước dừa được không

Mẹ bị tiểu đường thai kỳ có thể uống được nước dừa do nước dừa chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho mẹ và bé. Tuy nhiên, mẹ chỉ nên uống lượng vừa phải theo khuyến nghị của bác sĩ để đảm bảo an toàn.

Tiểu đường thai kỳ uống nước mía được không

Mẹ đang bị tiểu đường thai kỳ không nên uống nước mía vì trong nước mía có hàm lượng đường và carbohydrate cao, nếu uống sẽ khiến bệnh nặng thêm.

Tiểu đường thai kỳ uống nước cam được không

Nước cam có chỉ số đường huyết thấp nên mẹ bầu đang bị tiểu đường có thể uống nước cam. Tuy nhiên, mẹ không nên uống quá nhiều nước cam hoặc pha thêm đường vào mà chỉ nên uống nước cam nguyên chất. 

Tiểu đường thai kỳ uống sữa đậu nành được không

Mẹ bị tiểu đường thai kỳ có thể uống sữa đậu nành vì trong sữa đậu nành có chứa isoflavone có khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tim mạch. Ngoài ra, uống sữa đậu nành còn giúp giảm cholesterol, đường trong máu và cải thiện khả năng dung nạp glucose. 

Tiểu đường thai kỳ uống ngũ cốc được không

Phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ có thể uống ngũ cốc, tuy nhiên cần kiểm soát lượng ngũ cốc nạp vào để quản lý được lượng đường huyết trong máu, tránh làm bệnh nặng thêm.

Tiểu đường thai kỳ uống sữa hạt được không

Chỉ số Gi của sữa hạt thấp nên sẽ giúp duy trì đường huyết ở mức ổn định, kích thích sản sinh insulin. Ngoài ra, do không chứa lactose nên rất phù hợp với mẹ bị tiểu đường thai kỳ. 

Tiểu đường thai kỳ uống nước đậu đen được không

Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có thể uống nước đậu đen do đây là một trong những thực phẩm giàu chất xơ, chứa ít đường, ít tinh bột nên rất tốt cho người bị bệnh tiểu đường. 

Tiểu đường thai kỳ ăn sữa chua được không

Các loại sữa chua hiện nay đều có chỉ số đường huyết khá thấp nên nếu mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ ăn cũng không làm tăng lượng đường huyết. Tuy nhiên, mẹ bầu nên ưu tiên các loại sữa chua ít đường, tách béo hoặc không đường.

Tiểu đường thai kỳ ăn khoai lang được không

Khoai lang hoàn toàn an toàn cho bà bầu bị tiểu đường thai kỳ. Khoai lang rất giàu chất dinh dưỡng, có chỉ số đường huyết thấp, giàu canxi và chất xơ. Khả năng chống tăng huyết áp và táo bón của khoai lang cũng rất có lợi cho phụ nữ mang thai mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.

Tiểu đường thai kỳ ăn chuối được không

Câu trả lời là có. Chuối chứa nhiều chất dinh dưỡng và có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hàm lượng carbohydrate trong chuối hỗ trợ cải thiện độ nhạy insulin từ đó làm thuyên giảm các triệu chứng của tiểu đường thai kỳ. 

Tiểu đường thai kỳ ăn bánh mì được không

Mẹ bầu bị bệnh tiểu đường thai kỳ có thể ăn những loại bánh mì được làm từ ngũ cốc nguyên hạt, giàu chất xơ. Đây đều là những loại bánh mì có lượng đường huyết thấp. 

Tiểu đường thai kỳ ăn ổi được không

Ổi có nhiều công dụng trong việc điều trị bệnh tiểu đường bên cạnh đó, ổi cũng giàu chất dinh dưỡng nên bà bầu bị tiểu đường thai kỳ có thể ăn ổi. 

Tiểu đường thai kỳ ăn yến được không

Tổ yến có chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng và không ảnh hưởng đến chỉ số đường huyết. Do đó, các bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ hoàn toàn có thể đưa yến vào thực đơn hằng ngày. 

Tiểu đường thai kỳ ăn yến mạch được không

Những mẹ bầu bị tiểu đường hoàn toàn có thể ăn yến mạch hằng ngày vì chỉ số GI của yến mạch thấp. Bên cạnh đó, ngũ cốc yến mạch giàu chất xơ, có khả năng kích thích sản sinh insulin. 

Tiểu đường thai kỳ có được ăn socola được không

Ăn socola vừa phải trong khi mang thai cũng làm giảm nguy cơ tiền sản giật do đó bà bầu bị tiểu đường thai kỳ có thể ăn socola. Tuy nhiên, các mẹ cũng không nên lạm dụng mà ăn quá nhiều socola. 

Tiểu đường thai kỳ uống sữa tươi không đường

Sữa tươi không đường đã được tách đường nên mẹ bị tiểu đường thai kỳ hoàn toàn có thể uống. 

Tiểu đường thai kỳ uống trà sữa được không

Bà bầu bị tiểu đường thai kỳ nên hạn chế uống trà sữa. Tốt nhất là tránh hoàn toàn vì trà sữa chứa rất nhiều đường và calo, có thể làm tăng đột ngột chỉ số đường huyết.

Tiểu đường thai kỳ uống cafe sữa được không

Nếu bà bầu bị tiểu đường thai kỳ nên tránh uống cà phê sữa hay bất kỳ loại cà phê nào khác vì cà phê chứa nhiều cafein không tốt cho thai nhi.

Tiểu đường thai kỳ uống mật ong được không

Phụ nữ mang thai mắc bệnh tiểu đường thai kỳ không nên dùng mật ong. Vì mật ong chứa rất nhiều đường, lên tới 81,02g trên 100g. Điều này sẽ dẫn đến sự gia tăng lượng đường trong máu.

Xem thêm:
 

Tiểu đường thai kỳ là một bệnh lý nguy hiểm và thường gặp ở phụ nữ có thai. Tuy nhiên, nếu biết điều chỉnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện thể dục thì mẹ bầu hoàn toàn có thể kiểm soát được chỉ số đường huyết trong máu và sinh con an toàn. AVAKids hy vọng đã cung cấp những thông tin hữu ích cho các mẹ. Chúc các mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.

Lưu ý các thông tin mà AVAKids cung cấp trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Để có được thông tin chính xác, hãy tham khảo ý kiến từ các bác sĩ và chuyên gia.

Bài viết có hữu ích với bạn không?

Không

Cám ơn bạn đã phản hồi!

Xin lỗi bài viết chưa đáp ứng nhu cầu của bạn. Vấn đề bạn gặp phải là gì?

Bài tư vấn chưa đủ thông tin
Chưa lựa chọn được sản phẩm đúng nhu cầu
Bài tư vấn sai mục tiêu
Bài viết đã cũ, thiếu thông tin
Gửi